Phát thèm đặc sản gỏi cá Nam Ô Đà Nẵng

Ở mỗi vùng biển dọc dài chữ S, các loại hải sản đều được người dân sáng tạo thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Trong đó món gỏi cá phổ biến hơn cả, thể hiện ẩm thực miền biển rất rõ ràng.

Xuất xứ

Gỏi cá Nam Ô Đà Nẵng xuất phát từ làng chài Nam Ô, cách trung tâm thành phố khoảng 10km nằm ở cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân. Làng chài đánh bắt được cá tươi sống, do đó món gỏi cá ở đây cũng tươi và ngon, ngọt hơn rất nhiều.

Ngày trước món gỏi cá chỉ dành cho người đi biển, nhưng sau này nó đã trở nên phổ biến hơn trong các gia đình ven biển. Cá để làm món gỏi có thể dùng cá mòi, cá tớp, cá cơm… nhưng thích hợp nhất vẫn là cá trích ngọt.

Cá trích được đánh bắt vào buổi sáng sớm vì thế cá rất ngọt thịt. Sau khi đánh bắt về, người ta sẽ cạo vẩy cá, bỏ đầu, bỏ ruột, rửa sạch, phi lê lấy phần thịt cắt thành miếng nhỏ. Khi rửa cá cho thêm ít muối và giấm sẽ khiến thịt cá không còn mùi tanh.

Chế biến

Gỏi cá Nam Ô được chia thành hai loại, gỏi cá khô và gỏi cá ướt, cách chế biến của hai loại khá khác nhau, mặc dù cùng làm từ một nguyên liệu. Gỏi cá khô, sau khi sơ chế thì để cá ráo, tái chính bằng giấm, chanh sau đó trộn với thính, đậu phộng rang, mè rang, bánh tráng nướng giã nhỏ…

Còn gỏi cá ướt thì sau khi làm sạch, cá được ướp với gừng, riềng, tỏi và ớt băm nhuyễn rồi ngâm trong nước dùng thay vì trộn với thính. Nước dùng được pha chế từ nước mắm nhĩ nguyên chất của làng chài Nam Ô, ít gừng, tỏi, ớt, và đường để dịu vị.

Để món ăn ngon hơn, nước chấm là phần không thể thiếu. Trước khi mang đi ướp, cá được ép lấy nước rồi đun sôi hòa với nước mắm Nam Ô, thêm ớt, riềng, bột năng… Khi dọn ra nước chấm được thêm đậu phộng, mè rang giã nhỏ thơm và bùi béo khiến món gỏi cá Nam Ô Đà Nẵng đậm đà hơn.

Món ăn khi bày ra thưởng thức không thể thiếu một rổ rau rừng tươi non. Một số loại lá ăn kèm như: lành ngạnh, cóc rừng, lá dừng, lá trâm… Các loại lá này thường mọc dưới chân đèo Hải Vân. Ngoài ra, lá mơ, tía tô, xà lách, đinh lăng, giá đỗ, dưa chuột, bắp chuối, xoài, chuối chát, khế, dưa leo… cũng được thêm vào.

Gỏi cá sau khi bày ra bàn, có hai cách để thưởng thức. Một là cho cá, rau lên bánh tráng mỏng rồi cuốn lại, chấm với nước chấm. Cách thứ hai hãy trộn đều các nguyên liệu với nhau rồi thêm nước chấm và ăn kèm với bánh tráng nướng.